Kế hoạch chiến lược phát triển nhà trường

KẾ HOẠCH CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN

GIAI ĐOẠN 2015 – 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2025

   Nguyễn Kim Anh

Bí thư chi bộ- Hiệu trưởng

  1. GIỚI THIỆU VỀ NHÀ TRƯỜNG

Trường THPT DTNT Nơ Trang Lơng là một trường chuyên biệt, có nhiệm vụ tuyển chọn học sinh các dân tộc thiểu số tỉnh ĐăkLăk, đào tạo trở thành những người có nhân cách toàn diện, có trình độ văn hóa, nhằm nâng cao dân trí, tạo nguồn nhân lực, nguồn cán bộ đáp ứng yêu cấu phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong thời kì CNH – HĐH đất nước và hội nhập quốc tế.

Trường được thành lập vào ngày 12/ 01/1976, nguyên là trường “Vừa học vừa làm” hiện tại trường đóng trên địa bàn Phường Khánh Xuân, Tp Buôn Ma Thuột, cách trung tâm Tp Buôn Ma Thuột 8 Km. Qui mô hiện có 18 lớp, với 562 học sinh dân tộc thiểu số, được Nhà nước cấp kinh phí nuôi ăn, học.

Qua quá trình xây dựng và phát triển từ năm 1976 đến nay, Trường đã 03 lần đổi tên và có bề dày thành tích rất đáng tự hào là trường chuẩn Quốc gia, nhiều năm liền trường luôn đạt danh hiệu lao động xuất sắc, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng III, 03 lần được Thủ tướng chính phủ, 03 lần được Chủ tịch tỉnh tặng cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua và nhiều bằng khen của các cấp các ngành

  1. PHÂN TÍCH MÔI TRƯỜNG
  2. Những thuận lợi và khó khăn
  3. Thuận lợi

– Nhà trường luôn được sự quan tâm tạo điều kiện thuận lợi của các cấp các ngành của chính quyền địa phương nhất là của sở giáo dục và đào tạo

– Tập thể cán bộ CC, VC có truyền thống đoàn kết, có tinh thần trách nhiệm, tâm huyết với nghề. Các em học sinh hầu hết chăm ngoan, có ý thức tự học tự rèn.

– Nhà trường có bề dày thành tích kinh nghiệm trong việc nuôi dạy học sinh.

– Đội ngũ CB – CC Nhà trường ổn định, đạt chuẩn, đa số trẻ, hăng hái, nhiệt tình, tích cực tìm tòi đổi mới.

– Chế độ chính sách đãi ngộ của Nhà nước được cải thiện từng bước nên đội ngũ CB-CC và học sinh phấn khởi, yên tâm công tác và học tập.

– Cơ sở vật chất từng bước được cải thiện, nhất là đưa CNTT phục vụ công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu.

  1. Khó khăn

– Đăk Lăk là tỉnh miền núi, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, còn lạc hậu so với các tỉnh đồng bằng và thành phố; giáo dục- đào tạo còn nhiều hạn chế bất cập.

– Học sinh của nhà trường chủ yếu là người dân tộc thiểu số, nhiều em sống trên địa bàn khó khăn và lạc hậu, chất lượng văn hóa thấp, tư duy chậm, tác phong rụt rè. Học sinh của trường thuộc 15 dân tộc, có phong tục tập quán khác nhau, ngôn ngữ không đồng nhất nên còn nhiều bất cập trong sinh hoạt.

– Chất lượng đội ngũ chưa thật đồng đều.

– Cơ sở vật chất nhiều hạng mục công trình bị xuống cấp và còn thiếu: như hệ thống nhà sinh hoạt cộng đồng, phòng hội họp, nhà vệ sinh, nhà ở nội trú; trang bị bên trong các phòng bộ môn còn nghèo nàn, lạc hậu; chưa có phòng lab…

– Tài chính đầu tư chủ yếu cho phục vụ con người (lương, phụ cấp, học bổng), các chi khác còn ít,chưa đáp ứng đủ nhu cầu công việc.

  1. Thời cơ và thách thức
  2. Thời cơ

– Cuộc cách mạnh KH-CN đang phát triển với những bước nhảy vọt nhằm đưa thế giới chuyển từ kỷ nguyên công nghiệp sang kỷ nguyên thông tin và phát triển kinh tế tri thức.

– Vấn đề toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế vừa tạo ra quá trình hợp tác để phát triển, vừa là quá trình đấu tranh gay gắt của các nước đang phát triển để bảo vệ lợi ích quốc gia, bảo tồn văn hóa và truyền thống dân tộc.

– Những xu hướng chung nêu trên đã tạo ra những yêu cầu mới và tạo ra sự biến đổi nhanh chóng đến tất cả các lĩnh vực hoạt động xã hội, nhất là giáo dục và đào tạo.

– Để theo kịp yêu cầu phát triển KT-XH toàn cầu cần đòi hỏi phải nâng cao chất lượng giáo dục, hiệu quả giáo dục. Muốn vậy cần phải đổi mới giáo dục, đổi mới lãnh đạo và quản lý giáo dục nói chung đổi mới nhà trường nói riêng. Đây là một xu thế tất yếu khách quan, đặt Nhà trường trước yêu cầu đổi mới.

– Đảng và Nhà nước ta coi trọng giáo dục – đào tạo là quốc sách hàng đầu, đang từng bước tăng mức đầu tư ngân sách; cả xã hội đều chăm lo đến sự nghiệp GD – ĐT; Bộ luật Giáo dục được cải tiến thay đổi.

– Vấn đề sắc tộc, tôn giáo đang là thời sự nóng bỏng. Đảng và Nhà nước ta đề ra chủ trương, chính sách quan tâm phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, quan tâm giáo dục, đào tạo.

  1. Thách thức

– Đứng trước sự nghiệp CNH – HĐH đất nước, Đảng ta đã xác định: “Giáo dục – đào tạo là quốc sách hàng đầu”, đòi hỏi rất lớn ở ngành Giáo dục – Đào tạo cần cải tiến và đổi mới giáo dục – đào tạo.

– Trong ngành Giáo dục – Đào tạo của chúng ta hiện nay còn nhiều bất cập: bất cập về những yếu kém với yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục; bất cập giữa phát triển qui mô với chất lượng giáo dục; bất cập giữa yêu cầu đòi hỏi nâng cao chất lượng với điều kiện cơ sở vật chất Nhà trường chưa đủ đáp ứng.

III. XÁC ĐỊNH SỨ MẠNG, TẦM NHÌN, GIÁ TRỊ CỦA TRƯỜNG THPT DTNT NƠ TRANG LƠNG

  1. Sứ mạng: Trường THPT dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng tỉnh Đăk Lăk có nhiệm vụ nuôi và dạy học sinh dân tộc thiểu số nhằm nâng cao dân trí, tạo nguồn nhân lực, tạo nguồn đào tạo cán bộ dân tộc cho Tỉnh, góp phần xây dựng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nhà trường là môi trường có nề nếp, kỷ cương và chất lượng. Qua đó, học sinh dân tộc có cơ hội học tập, rèn luyện để phát triển nhân cách toàn diện, giáo viên phát huy hết khả năng của mình để cống hiến.

  1. Giá trị

– Tính đoàn kết             – Lòng tự trọng     – Tính sáng tạo

– Tính kỷ luật                – Lòng nhân ái       – Sự hợp tác

– Tinh thần trách nhiệm          – Tính trung thực  – Khát vọng vươn lên

  1. Tầm nhìn

Là một trong những trường phổ thông dân tộc nội trú hàng đầu của khu vực phía Nam, nơi mà học sinh dân tộc thiểu số tỉnh nhà mơ ước, khát vọng để vươn lên chiếm lĩnh tri thức, làm chủ cuộc sống.

  1. MỤC TIÊU VÀ PHƯƠNG CHÂM HÀNH ĐỘNG
  2. Mục tiêu chung

Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, xây dựng nhà trường trở thành trường chất lương cao đáp ứng yêu cầu và xu thế phát triển của địa phương, đất nước và thời đại.

  1. Mục tiêu cụ thể
  2. Đối với hoc sinh

*Quy mô: phát triển, ổn định bền vững theo quy mô ssố lượng học sinh như hiện tại

*Kết quả đào tạo:

– Đạo đức Tốt và Khá: 100%

– Tỉ lệ tốt nghiệp THPT: 100%

– Tỉ lệ vào Đại học: 95% trở lên

* Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh với các tiêu chí sau:

Đạo đức: sống chuẩn mực, biết đoàn kết thương yêu giứp đỡ mọi người; chăm ngoan, trung thực thật thà, giản dị, khiêm tốn; biết chia sẻ với mọi người.

Sức khỏe: Khỏe mạnh; biết tự chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và mọi người.

Tác phong: tự tin, nhanh nhẹn, hoạt bát, năng động, sáng tạo.

Kiến thức văn hóa: Hoàn thành chương trình phổ thông 12/12.

Lao động: biết lao động, yêu lao động, quý trọng lao động.

Kỹ năng sống và hoạt động:

+ Biết làm chủ cuộc sống, biết giao tiếp và hội nhập.

+ Biết giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

+ Biết làm chủ trong học tập: tự giác, tích cực, tự lực, sáng tạo.

+ Biết định hướng nghề nghiệp.

+ Năng lực tư duy hiểu biết: có khả năng tư duy; có tầm nhìn và biết chọn lọc.

+ Năng lực lãnh đạo, quản lý: bước đầu biết lập kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo và triển khai thưc hiện.

– Khả năng khác: Biết ít nhất một nghề phổ thông, biết thao tác văn bản, biết một số thủ tục hành chính, biết sử dụng CNTT và cập nhật thông tin, biết chơi ít nhất một môn thể thao, biết tham gia văn nghệ (hát, múa, đàn, trống, chiêng).

  1. Đội ngũ công chức – viên chức

– 100% giáo viên đạt chuẩn; phấn đấu đạt trên chuẩn từ 20% trở lên.

– 20% giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 60% giáo viên dạy giỏi cấp trường.

– 100% CB – GV là tấm gương tự học và học tập suốt đời.

– Giáo viên nhiệt tình, tâm huyết, tận tụy và thương yêu học sinh.

– 100% giáo viên biết ít nhất 01 thứ tiếng dân tộc và am hiểu phong tục, tập quán của các dân tộc Tây nguyên.

– 100% nhân viên làm việc có tinh thần trách nhiệm cao và hoàn thành tốt nhiệm vụ.

– 100% CB – GV biết sử dụng vi tính, áp dụng vào công việc.

  1. Phương châm hành động

Khẩu hiệu “Chất lượng giáo dục là danh dự của nhà trường

  1. CÁC GIẢI PHÁP CHIẾN LƯỢC
  2. Nâng cao chất lương đào tạo và hiệu quả công tác giáo dục học sinh

Nâng cao chất lương và hiệu quả giáo dục toàn diện, đặc biệt là chất lượng giáo dục đạo đức và chất lượng văn hóa. Đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá học sinh phù hợp với mục tiêu, nội dung chương trình và đối tượng học sinh. Đổi mới các hoạt động giáo dục, hoạt động NGLL, gắn học với hành, lý thuyết với thực tiễn; giúp học sinh có được những kỹ năng sống cơ bản.

  1. Củng cố, tăng cường cơ sở vật chất

– Có đủ phòng học khang trang, đi liền là hệ thống công trình vệ sinh.

– Có đủ các phòng bộ môn, phòng chức năng: Phòng bộ môn Lý, Hóa, Sinh, phòng Tin học nối mạng Internet, phòng Lab, phòng Thư viên đạt chuẩn.

– Có nhà sinh hoạt Văn hóa cộng đồng.

– Có nhà Hiệu bộ, mỗi tổ bộ môn có 01 phòng sinh hoạt riêng trang bị máy tính nối mạng Internet.

– Có hệ thống nhà nội trú học sinh đủ điều kiện ở và sinh hoạt.

– Có hệ thống nhà, sân, bãi hoạt động giáo dục thể chất có chất lượng.

– Có nhiều cây xanh bóng mát, cảnh quan sư phạm nhà trường khang trang, sạch đẹp.

– Có khu giáo dục hướng nghiệp – dạy nghề cho học sinh.

  1. Phát triển đội ngũ

Xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên đủ về số lượng; có phẩm chất chính trị; có năng lực chuyên môn khá giỏi; có trình độ tin học, ngoại ngữ cơ bản, có phong cách sư phạm mẫu mực. Đoàn kết, tâm huyết, hợp tác, biết chia sẻ, có trách nhiệm, gắn bó với sự phát triển của nhà trường.

  1. Ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin.

Triển khai rộng rãi việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, giảng dạy, xây dựng kho học liệu điện tử, thư viện điện tử, nguồn tài nguyên mở… Góp phần nâng cao chất lượng quản lý, dạy và học. Động viên cán bộ, giáo viên, nhân viên tự học hoặc theo học các lớp bồi dưỡng để sử dụng được máy tính phục vụ cho công việc.

  1. Huy động mọi nguồn lực xã hội vào hoạt động giáo dục

– Xây dựng nhà trường văn hóa, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, giáo viên, công nhân viên.

– Huy động được các nguồn lực của xã hội, cá nhân tham gia vào việc phát triển Nhà trường.

  1. Xây dựng thương hiệu

– Xây dựng thương hiệu và tín nhiệm của xã hội đối với Nhà trường

– Xác lập tín nhiệm thương hiệu đối với từng cán bộ giáo viên, công nhân viên, học sinh, phụ huynh học sinh.

– Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng truyền thống Nhà trường, nêu cao tinh thần trách nhiệm của mỗi thành viên trong quá trình xây dựng thương hiệu của Nhà trường.

– Củng cố nâng cao các tiêu chí của trường chuẩn Quốc gia, phấn đấu xây dựng Nhà trường thành trường THPT chất lượng cao.

  1. Quan hệ với cộng đồng

– Tạo dựng môi trường tôn trọng, cởi mở, yêu thương mọi người.

– Tích cực tham gia các hoạt động xã hội.

– Liên kết các cơ quan, ban, ngành để giao lưu và được giúp đỡ.

  1. Lãnh đạo và quản lý

– Tập trung làm tốt các chức năng lãnh đạo, quản lý: xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện, chỉ đạo kịp thời và sát sao, kiểm tra đánh giá kết quả.

– Tuyên truyền để mọi người trong đơn vị hiểu được sự cần thiết phải đổi mới phương pháp lãnh đạo và quản lý nhà trường hiện nay.

– Lãnh đạo Nhà trường là người gương mẫu đi đầu trong học tập, rèn luyện, đổi mới tư duy.

– Mỗi thành viên nhà trường cần hiểu, có niềm tin và quyết tâm đổi mới; ra sức phấn đấu để đạt được mục tiêu chiến lược Nhà trường đã xây dựng.

– Huy động đồng bộ các lực lượng cùng tham gia: Chi bộ lãnh đạo, BGH vạch ra kế hoạch, Nhà trường và các tổ chức đoàn thể phối hợp, tham gia thực hiện; tranh thủ đựợc sự lãnh đạo của các Cấp, các Ngành, các Tổ chức đoàn thể xã hội và Hội CMHS, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ đề ra.

  1. Triển khai thực hiện kế hoạch, chiến lược
  2. Phổ biến kế hoạch chiến lược

          Kế hoạch chiến lược được phổ biến rộng rãi tới toàn thể cán bộ, giáo viên, công nhân viên nhà trường, cơ quan chủ quản, phụ huynh học sinh và các tổ chức cá nhân quan tâm đến nhà trường

  1. Tổ chức thực hiện

          Ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch chiến lược là bộ phận chịu trách nhiệm điều phối quá trình triển khai kế hoạch chiến lược. Điều chỉnh kế hoạch chiến lược theo từng giai đoạn sát với tình hình thực tế của nhà trường.

  1. Lộ trình thực hiện kế hoạch chiến lược:

– Giai đoạn 1: Từ năm 2015 – 2018

– Giai đoạn 2: Từ năm 2018 – 2020

– Giai đoạn 3: Từ năm 2020 – 2023

– Giai đoạn 4: Từ năm 2023 – 2025

VII. Kết luận

  1. Kế hoạch chiến lược là văn bản có giá trị định hướng cho sự xây dựng và phát triển giáo dục của nhà trường đúng hướng trong giai đoạn trước mắt và lâu dài giúp nhà trường có sự điều chỉnh hợp lý trong việc thực hiện triển khai kế hoạch hàng năm.
  2. Kế hoạch chiến lược thể hiện sự quyết tâm của toàn thể cán bộ, giáo viên, công nhân viên và học sinh trong nhà trường xây dựng cho mình một thương hiệu, địa chỉ giáo dục tin cậy.
  3. Trong thời kỳ hội nhập có nhiều sự thay đổi về cơ cấu kinh tế – xã hội, kế hoạch chiến lược của nhà trường tất yếu sẽ có sự điều chỉnh, bổ sung trong từng giai đoạn để phù hợp với tình hình thực tế. Tuy nhiên, kế hoạch chiến lược tổng thể là cơ sở nền tảng để nhà trường hoạch định chiến lược phát triển giáo dục một cách ổn định, bền vững.

                                                                             HIỆU TRƯỞNG