Giới thiệu
GIỚI THIỆU VỀ TRƯỜNG THPT DTNT N’ TRANG LƠNG
Hội đồng sư phạm nhà trường năm học 2024 – 2025
Từ trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột xuôi theo quốc lộ 14 về hướng Thành Phố Hồ Chí Minh đến Km9, rẽ vào chừng 300m đi qua chiếc cầu vắt ngang con suối nhỏ sẽ thấy ngay ngôi trường xinh đẹp, khang trang mang tên người Anh hùng Dân tộc N’Trang Lơng.
Trường có diện tích gần 50.000m2 được chia thành 2 khu riêng biệt, phía sau là ký túc xá và khu vực dành cho hoạt động giáo dục thể chất còn lại phía trước là khu nhà Hiệu bộ và hai dãy nhà học tập của học sinh. Khuôn viên vừa phải không rộng không dài quanh năm rợp mát bóng cây cùng với nhiều loài hoa đua nhau khoe sắc tạo nên một không gian đẹp. Từ ngoài nhìn vào ngôi trường hiện lên với một dáng vẻ hiền hòa, ấm áp và rất đỗi thân thương, nếu ai có dịp ghé thăm trường chắc chắn sẽ cảm nhận như vậy.
Trường THPT DTNT N’Trang Lơng được thành lập theo Quyết định số 178/QĐ – UB ngày 12 tháng 01 năm 1976 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Đăk Lăk. Khi mới thành lập trường được mang tên: Trường vừa học vừa làm được đặt tại đồn điền số 7 (tức đồn Nhị Khê) có quy mô 300 học sinh trên tổng diện tích 84 ha, với mục tiêu Đào tạo “thanh niên lớp người lao động có trình độ văn hóa, khoa học kỹ thuật, có sức khỏe giác ngộ xã hội chủ nghĩa để đáp ứng yêu cầu cách mạng ở cơ sở”. Ngôi trường ngày ấy nằm chông chênh giữa hai con suối nhỏ cách nhau hơn nửa cây số. Hệ thống phòng học, khu ở nội trú của học sinh, cán bộ giáo viên, công nhân viên gồm những dãy nhà gỗ đã xuống cấp cùng với một số phòng xây cấp 4 được làm sau ngày giải phóng. Những lô vườn cà phê đã quá tuổi, bạt ngàn rừng cây ăn trái. Dọc theo lối đi những hàng muồng cổ thụ chạy dài tít tắp rợp bóng che mát các ngả đường.
Đến ngày 07 tháng 8 năm 1976 theo Quyết định 267 của Chủ tịch UBND Tỉnh Đăk Lăk trường được đổi tên thành trường “Thanh niên Dân tộc Ama Trang Lơng”. Đến ngày 27 tháng 4 năm 1991, sau gần 15 năm hoạt động một lần nữa Trường được đổi tên thành Trường “THPT DTNT N’Trang Lơng” với quy mô từ 500 – 1000 học sinh thuộc gia đình đồng bào của các dân tộc ít người đang sinh sống trên địa bàn tỉnh (chưa tính số học sinh là người kinh trong khu vực các xã lân cận theo học tại trường).
Trải qua 4 thập kỷ phấn đấu và trưởng thành, mặc dù dự án xây dựng hoàn thiện nhà trường, nhiều hạng mục quan trọng vẫn chưa được triển khai thực hiện do những điều kiện khách quan, nhưng được sự quan tâm của các cấp ngành nhất là của Sở Giáo dục và Đào tạo đến nay cơ sở vật chất ngày càng được tăng cường với một hệ thống gồm 28 phòng học, thư viện, thiết bị thực hành, phòng sinh hoạt các tổ chuyên môn, nhà Hiệu bộ, đáp ứng yêu cầu ngiệp vụ dạy và học cũng như các hoạt động giáo dục khác. Hội đồng giáo dục của nhà trường có 74 thành viên trong đó 12% cán bộ, giáo viên đạt trình độ trên chuẩn với quy mô gần 550 học sinh. Nhiều năm qua nhà trường luôn đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng III (2004); 3 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua (2003, 2004, 2015); 3 lần được Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh Đăk lăk tặng cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua (2011,2012,2013) và ngoài ra nhà trường còn được tặng nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp, các ngành. Đặc biệt năm học 2012 – 2013 nhà trường được công nhận trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia.
Những danh hiệu cao quý mà nhà trường đã đạt được là kết quả của một quá trình phấn đấu không mệt mỏi của nhiều thế hệ thầy trò, cán bộ công nhân viên trong suốt 40 năm qua đó không chỉ là niềm tự hào mà còn là động lực to lớn để tiếp tục khẳng định vị thế của một ngôi trường, đưa nhà trường phát triển lên một tầm cao mới đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà nói chung và vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.