Sáng kiến kinh nghiệm

Lượt xem: Lượt tải:


Thông tin Nội dung
Tên tài nguyên Sáng kiến kinh nghiệm
Loại tài nguyên Sáng kiến kinh nghiệm,
Tên tập tin
Loại tập tin
Dung lượng -1
Ngày chia sẻ 24/04/2019
Lượt xem 1832
Lượt tải 99
Xem tài liệu Xem Online
Tải về

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐĂKLĂK

TRƯỜNG THPT DTNT N’ TRANG LƠNG

 

 

SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM

 

 

 

Đề tài:

 

“Sử dụng phương pháp kể chuyện nhằm nâng cao hiệu quả giảng dạy phần “công dân với đạo đức” trong môn GDCD lớp 10”.

 

Giáo viên: LÊ THỊ THỦY

 

 

 


  1. PHẦN MỞ ĐẦU
  2. Lý do chọn đề tài

Mạnh Tử đã từng nói: “Nhân chi sơ tính bổn thiện, tính tương cận tập tương viện”, nghĩa là con người sinh ra ban đầu vốn dĩ lương lương thiện, tính tình khá đồng nhất, nhưng do môi trường và sự tiếp cận học hỏi khác nhau mà tính tình đâm ra khác biệt nhau. Tuân Tử cũng đã từng nói: “Nhân chi sơ tính bổn ác, lý tính hậu lai tập đắc”, nghĩa là con người sinh ra ban đầu vốn dĩ là ác, nhưng sau này có học tập mà có lý trí, biết cái đúng cái sai.

Mạnh Tử và Tuân Tử đều là bậc thầy của Nho giáo thời Chiến quốc, dù có những đánh giá khác nhau về tính con người nhưng đều thống nhất rằng môi trường và sự giáo dục sẽ làm con người thay đổi, nghĩa là giáo dục đóng vai trò quyết định cho nhân cách con người trong tương lai.

Thật ra, đánh giá khác nhau về bản chất con người của hai ông không có gì mâu thuẫn. Tuân Tử nhìn theo hướng tiến hóa của vạn vật, cho rằng con người là một loại động vật trong thế giới sinh học nên theo nguồn gốc ban đầu vốn dữ tính, muốn thành người có lý trí thì phải được giáo dục.

Mạnh tử nhìn con người từ khía cạnh xã hội học, cho rằng con người được sinh ra trong cộng đồng, có tình thương của cha mẹ, anh em, bạn bè nên bản tính ban đầu lương thiện, nhưng khi tiếp xúc, học tập trong các điều kiện xã hội khác nhau thì tính tình ắt sẽ khác nhau. Từ đó có thể thấy từ xưa đến nay, mọi thế hệ nhân loại đều khẳng định vai trò vô cùng to lớn của giáo dục đối với con người.

Mục tiêu của giáo dục thật sự rất rõ ràng là dạy làm người, nghĩa là rèn luyện đạo đức và nhân cách con người. Giáo dục đồng thời cung cấp kiến thức, kỹ năng để con người xây dựng cuộc sống hạnh phúc, văn minh. Nền giáo dục của nước ta cũng phải tìm ra các biện pháp để đạt được hai mục tiêu trên.

Trong đó, môn Giáo dục công dân (GDCD) giữ vai trò quan trọng và trực tiếp trong việc giáo dục học sinh ý thức và hình thành phát triển nhân cách con người toàn diện. Khác với các môn học khác, môn GDCD nói chung và môn GDCD ở trường THPT nói riêng là môn học có vai trò quan trọng giúp học sinh phát triển về đức, trí, thể, mỹ và các kỹ năng cơ bản nhằm hình thành nhân cách con người Việt Nam XHCN. Môn GDCD với pháp luật có trách nhiệm trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về quyền và nghĩa vụ pháp lý của công dân trên một số lĩnh vực cơ bản. Từ đó học sinh hiểu rằng: Bất cứ người dân nào, bất cứ ở đâu, ở bất kỳ cương vị nào đều phải sống và làm việc theo pháp luật, phải có trách nhiệm xây dựng đất nước giàu mạnh, giữ gìn kỷ cương xã hội, xây dựng cuộc sống hạnh phúc cho mọi người. Sự giác ngộ sâu sắc về các vấn đề được đề cập trong chương trình sẽ giúp các công dân tương lai của đất nước có được sự chủ động, sáng tạo khi thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ trong cuộc sống chung của đất nước.

Tuy nhiên, thực trạng hiện nay đa số học sinh ngại học môn GDCD vì coi đây là môn phụ, không phục vụ cho việc thi tốt nghiệp và Đại học, Cao đẳng. Từ quan niệm đó nên các em chỉ học một cách đối phó, qua loa, xem nhẹ bộ môn đang diễn ra phổ biến và trở thành thực trạng chung.

Bên cạnh đấy, bản thân một số giáo viên dạy môn GDCD còn xem nhẹ môn của mình, coi là môn phụ, không có hứng thú trong giảng dạy, ít đầu tư vào chuyên môn. Đến lớp chỉ truyền thụ những kiến thức có sẵn trong sách giáo khoa, nặng về phương pháp dạy học truyền thống, ít đổi  mới phương pháp dạy học dẫn đến tiết học khô khan, học sinh dễ nhàm chán và ngại học.

Vì vậy, nhằm phát huy tính tích cực của học sinh, để học sinh đóng vai trò trung tâm trong các tiết học đòi hỏi mỗi giáo viên dạy môn GDCD cần phải đổi mới phương pháp dạy học.

Kho tàng truyện kể Việt Nam vô cùng phong phú và đa dạng, những câu chuyện cũng là những bài học cho tất cả mọi người về mọi mặt của đời sống. Nếu người giáo viên biết cách chọn lựa, dẫn dắt và kể những câu chuyện sao cho phù hợp với bài học và đối tượng học sinh khi dạy môn GDCD chắc chắn sẽ giúp học sinh say mê, hứng thú học tập từ đó đạt kết quả tốt hơn. Việc khai thác các câu chuyện thông qua các bài giảng GDCD là một hướng đi mang bản sắc riêng của nền giáo dục nước nhà. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đặc biệt là trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay.

Những câu truyện kể sẽ tác động trực tiếp đến nhận thức, thái độ, hành vi của các em học sinh từ đó các em sẽ nhận thức được vai trò và nghĩa vụ của mình đối với bản thân, gia đình và xã hội đây chính là nguyên nhân quan trọng dẫn đến niềm yêu thích môn GDCD của học sinh. Hơn nữa khéo léo sử dụng truyện kể không chỉ có tác dụng tích cực đến kết quả học tập bộ môn cho học sinh mà còn có tác dụng trong việc gìn giữ văn hóa dân tộc; giáo dục truyền thống lịch sử; khơi gợi lòng yêu nước, tự hào dân tộc…

Đối với những bài học về đạo đức, đạo làm người trong chương trình GDCD thì việc sử dụng những câu chuyện kể về người thật, việc thật càng trở nên thiết thực và có ý nghĩa hơn.  Bên cạnh đó, những quan sát bước đầu về thực tiễn dạy – học môn GDCD, phần “Công dân với đạo đức” ở trường THPT hiện nay cho thấy việc sử dụng PPKC trong thiết kế bài dạy học và giảng dạy trên lớp của GV chỉ dừng lại ở mức khởi đầu. Ngoài ra, quá trình sử dụng phương tiện này trong quá trình dạy học phần này chưa thực sự mang lại hiệu quả cao. Nhiều GV vẫn sử dụng PPKC một cách tự phát, kinh nghiệm mà chưa có những chỉ dẫn đầy đủ, hệ thống về mặt lí luận. Đó là nguyên nhân khiến cho việc sử dụng hệ thống phương tiện này chưa khai thác được tiềm năng và ưu thế vốn có của nó trong việc giúp nâng cao kết quả dạy học. Từ đây, kết quả nghiên cứu vấn đề này sẽ góp phần giải quyết những khó khăn, lúng túng của GV, góp phần vào việc nâng cao chất lượng dạy học phần “Công dân với đạo đức”  nói riêng, môn GDCD nói chung ở trường THPT hiện nay.

Xuất phát từ những lí do nêu trên tôi đã chọn đề tài nghiên cứu: “Sử dụng phương pháp kể chuyện nhằm nâng cao hiệu quả giảng dạy phần “công dân với đạo đức” trong môn GDCD lớp 10”.

  1. Mục đích nghiên cứu

Trên cơ sở nghiên cứu lí luận và đánh giá thực trạng, đề tài đề xuất các biện pháp sử dụng PPKC trong dạy học môn GDCD phần “ Công dân với  đạo đức  – Giáo dục công dân lớp 10”. nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy học phần này trong môn GDCD ở trường THPT hiện nay.

  1. Nhiệm vụ nghiên cứu

Đề tài sẽ trả lời cho các câu hỏi khoa học:

Tổng quan các công trình nghiên cứu liên quan đến nội dung của đề tài.

+ Khái quát cơ sở lí luận và thực tiễn của vấn đề sử dụng PPKC trong dạy học môn GDCD phần “ Công dân với  đạo đức” ở trường THPT.

+ Đề xuất nguyên tắc và biện pháp sư phạm của việc sử dụng hiệu quả PPKCtrong dạy học môn GDCD phần “ Công dân với  đạo đức”  trường THPT hiện nay.

+ Tiến hành thực nghiệm sư phạm nhằm đánh giá hiệu quả, tính khả thi của các biện pháp sử dụng PPKC mà đề tài đã đề ra.

 

  1. Phương pháp nghiên cứu

Để nghiên cứu đề tài này bản thân tôi đã sử dụng những phương  pháp sau:

+ Phân tích, tổng hợp (phân tích từng đối tượng học sinh, tổng hợp các kết quả đạt được, phân tích tổng hợp tài liệu qua tham khảo sách báo…)

+ Phương pháp quan sát (trong quá trình giáo dục của giáo viên và học tập của học sinh …)

+ Phương pháp điều tra, đánh giá (điều tra mức độ tiếp thu, hứng thú học tập và kết quả của học sinh sau bài dạy…..)

+ Nghiên cứu các loại tài liệu sư phạm, tâm lí , giáo dục học có liên quan đến đề tài.

+ Phương pháp đàm thoại, phỏng vấn (lấy ý kiến học sinh, giáo viên, phụ huynh…)

+ Phương pháp thực nghiệm (áp dụng cụ thể với tập thể học sinh, đối tượng học sinh …)

  1. Đối tượng, giới hạn phạm vi nghiên cứu.

Đối tượng nghiên cứu

Học sinh các lớp 10 mà tôi được phân công giảng dạy năm học 2017 – 2018: Lớp 10A1, 10A2, 10A3, 10A4, 10A5, 10A6 – Trường THPT DTNT N’ Trang Lơng.

Giới hạn phạm vi nghiên cứu.

Phần “Công dân với đạo đức” sách giáo khoa giáo dục công dân 10 – Nhà xuất bản giáo dục năm 2011.

  1. NỘI DUNG
  2. Cơ sở lí luận

1.1. Cơ sở triết học:

Ngay từ thời cổ đại, khi bàn về tầm quan trọng của việc sử dụng các dẫn chứng, ví dụ, minh họa từ trong trò chuyện, giao tiếp đến truyền đạt tri thức, kinh nghiệm cho nhau, người ta đã từng cho rằng, cần phải biết lấy ví dụ để làm rõ điều mình muốn nói. Trong quá trình đó, việc sử dụng TK để minh họa cho điều cần truyền đạt luôn được xem là một phương cách mang lại hiệu quả cao.

Lênin nói rằng: “ Từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn là con đường biện chứng của sự nhận thức chân lý, của sự nhận thức thực tiễn khách quan”. Luận điểm triết học này của Lênin chỉ ra rằng trực quan sinh động và tư duy trừu tượng gắn bó mật thiết với nhau, bổ sung cho nhau trong quá trình nhận thức thế giới khách quan; từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn mới hoàn thành một chu trình của quá trình nhận thức. Nhận thức là một quá trình từ cảm tính đến lí tính, đây là cơ sở khoa học quan trọng trong việc sưu tầm  truyện kể để vận dụng một cách sáng tạo và linh hoạt vào bài học nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Bởi vì: Dạy học là một quá trình truyền thụ tri thức khoa học, kĩ năng và phương pháp hành động. Đó là sự tác động của người dạy vào các giác quan của học sinh, cung cấp các kiến thức mang tính chất kích thích tư duy nhận thức của người học. Do vậy, GV cần sưu tầm có hệ thống và có chọn lọc các câu chuyện phù hợp với nội dung bài học nhằm mang lại kết quả cao nhất.

Việc dạy của giáo viên và việc học của học sinh là một hoặc nhiều chu trình của quá trình nhận thức thực tiễn khách quan đó. Quá trình học tập của học sinh có đạt kết quả nhanh hơn và tốt hơn hay không phụ thuộc vào việc giải quyết các bước của quá trình nhận thức như thế nào, người giáo viên có vai trò không nhỏ trong việc hiện thực hoá những chu trình nhận thức của học sinh. Cụ thể hơn trước khi để học sinh có những nhận thức về lí tính thì giáo viên cần giúp học sinh có được thật nhanh, thật nhiều những nhận thức về cảm tính. Đối với từng tiết học cụ thể  ta thấy những câu chuyện sẽ tác động rất nhanh đến sự nhận thức cảm tính đó của học sinh. Sử dụng chuyện kể chính là sử dụng những di sản tinh thần quý báu, là kho tri thức về tấm gương sống  và đạo lí làm người mà ông cha ta đã để lại phù hợp nhất để giúp học sinh  lĩnh hội kiến thức tốt hơn, từ đó hình thành cho các em những tư tưởng đạo đức tốt đẹp, các em sẽ yêu thích môn GDCD hơn.

1.2. Cơ sở giáo dục học:

Như chúng ta đã biết ngành giáo dục đã trải qua rất nhiều cuộc cải cách giáo dục và đã phấn đấu thực hiện mục tiêu đào tạo thế hệ trẻ, đáp ứng phù hợp với yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới .

Với mục tiêu giáo dục phổ thông là “giúp học sinh phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mĩ và các kĩ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo hình thành nhân cách con người Việt Nam XHCN, xây dựng tư cách và trách nhiệm công dân, chuẩn bị cho học sinh tiếp tục học lên hoặc đi vào cuộc sống lao động, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Có thể khẳng định rằng Giáo dục, đào tạo con người phát triển toàn diện về Đức- Trí- Thể- Mĩ đã được đặt ra từ quá khứ, song hiện tại điều đó lại càng cần thiết hơn bao giờ hết. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã nêu rõ: “ …Coi trọng bồi dưỡng cho học sinh, sinh viên khát vọng mãnh liệt xây dựng đất nước giàu mạnh gắn liền lập nghiệp bản thân với tương lai của cộng đồng, của dân tộc, trau dồi cho học sinh, sinh viên bản lĩnh, phẩm chất và lối sống của thế hệ trẻ Việt Nam hiện đại.”

GDCD nói chung và giáo dục đạo đức nói riêng là môn học không thể thiếu trong chương trình của các trường phổ thông hiện nay. Bởi đây là một môn học tổng hợp nhiều tri thức khoa học, vừa góp phần nâng cao nhận thức vừa giúp các em hoàn thiện nhân cách bản thân. Tuy nhiên, ngay khi các em mới bắt đầu bước vào lớp đầu tiên của khối THPT các em đã tỏ ra coi thường thậm chí học đối phó vì cho đây là môn phụ… Thật vậy, bản thân là giáo viên giảng dạy môn GDCD tôi rất băn khoăn, trăn trở nên đã không ngừng tìm tòi, học hỏi để làm sao tạo sự hứng thú cho các em trong học tập và đạt được kết quả cao nhất. Đây chính là cơ sở giáo dục học rất quan trọng giúp tôi thực hiện đề tài này.

1.3. Cơ sở tâm lí học:

Bất kì phương pháp dạy học nào được hình thành cũng dựa trên cơ sở tâm lí nhất định, nhằm tạo ra sự mới mẻ, kích thích tư duy, hứng thú, thúc đẩy ham muốn, khám phá tìm hiểu chân lí tri thức của học sinh. Tâm lí học cho rằng: Trong khi khám phá thế giới, con người không chỉ nhận thức nó mà còn tỏ thái độ của mình đối với nó. Những hiện tượng tâm lí biểu thị thái độ của con người đối với những cái mà họ nhận thức được gọi là đời sống tâm lí con người. Đời sống tình cảm của con người rất phong phú, đa dạng, thể hiện ở nhiều hình thức và mức độ khác nhau, có ảnh hưởng sâu sắc đến toàn bộ quá trình nhận thức. Thực tiễn dạy học cho thấy, những tri thức nào khơi dậy được ở học sinh những cảm xúc tích cực, mạnh mẽ được các em lĩnh hội một cách nhanh chóng và vững chắc hơn những tri thức mà các em dửng dưng, không có thái độ đặc biệt với nó. Một trong những đặc điểm của học sinh THPT là sự nhạy cảm với những ấn tượng mới trong cuộc sống. Ở mức độ nhận thức của các em đã biết sử dụng các thao tác của tư duy để giải quyết các vấn đề đặt ra. Vì vậy khi sưu tầm các câu chuyện giáo viên cần sưu tầm có chọn lọc để các em liên tưởng tốt, vận dụng tốt hơn, từ đó khắc sâu kiến thức. Nắm được đặc điểm tâm lí của học sinh để lựa chọn hình thức và phương pháp dạy học phù hợp là rất cần thiết nhằm góp phần thực hiện mục tiêu trong quá trình giảng dạy và giáo dục hiện nay. Đây được xem là cơ sở tâm lí học rất quan trọng và thiết thực.

Phương pháp vận dụng các câu chuyện trong giảng dạy nhằm giúp cho học sinh tham gia chủ động trong quá trình học tập. Học sinh tự biết mình phải noi theo những tấm gương nào, làm điều tốt như thế nào,… và có thể nói những câu chuyện đã tác động đến tâm lí, hành vi của các em và từ đó hướng các em đi đúng con đường mà xã hội đang cần và mong muốn.

  1. Lí luận và vai trò của phương pháp kể chuyện

a.Lí luận về phương pháp kể chuyện

      Kể chuyện là gì?

Theo Từ điển Bách khoa Wikipedia, kể chuyện là một hình thức chuyển tải những sự kiện bằng lời, hình ảnh, âm thanh và trong khi kể chuyện người ta thường ứng khẩu cũng như thêm thắt những chi tiết cho câu chuyển kể.

Trong mọi nền văn hóa, mọi đất nước, kể chuyện được coi như một cách giải trí, một phương pháp giáo dục, một phương tiện chuyển tải và bảo tồn văn hóa, hun đúc những giá trị đạo đức cho người nghe.

Những thành phần cốt lõi của một câu chuyện và trong kể chuyện gồm cốt truyện, nhân vật, và quan điểm của người kể chuyện.

Theo định nghĩa trên thì phương pháp kể chuyện nên được dùng trong dạy và học môn học Giáo dục công dân vì nó có rất nhiều lợi ích.

  1. Vai trò của phương pháp kể chuyện

Kể chuyện góp phần hình thành cho học sinh những phương pháp học tập tích cực, năng động, sáng tạo, tạo cho học sinh hiểu sâu và nhớ lâu kiến thức. Bằng những câu chuyện có thật, học sinh sẽ hứng thú tìm tòi các tình tiết và tìm cách giải quyết, phán đoán phù hợp với thực tiễn. Vì tính thực tiễn của câu chuyện rất cao, nên sẽ giúp học sinh có kinh nghiệm, thái độ ứng xử trong cuộc sống một cách hợp lý nhất. Từ những câu truyện được kể giáo viên sẽ giúp học sinh nhìn nhận vấn đề một cách khách quan và giúp các em điều chỉnh hành vi của mình

Sử dụng những câu chuyện có thật ngắn gọn, hấp dẫn sẽ là phương pháp hiệu quả để tạo được ở các em học sinh những ấn tượng mạnh mẽ, những cảm xúc sâu sắc và sự hứng thú trong học tập.

  1. Quy trình sử dụng phương pháp kể chuyện để giảng dạy phần “công dân với đạo đức” trong môn Giáo dục công dân lớp 10

Sử dụng phương pháp kể chuyện để giảng dạy phần “công dân với đạo đức” trong môn giáo dục công dân lớp, giáo viên phải thực hiện theo 3 bước sau:

Bước 1: Giáo viên chuẩn bị các câu chuyện thật có nội dung phù hợp với bài học. Sau đó, giáo viên tóm tắt ý chính của câu chuyện cho ngắn gọn, dễ hiểu, dễ đưa vào bài học.

Bước 2: Học sinh lắng nghe câu chuyện. Giáo viên yêu cầu học sinh phân tích và trả lời câu hỏi ở cuối câu chuyện.

Bước 3: Giáo viên theo dõi, lắng nghe, phân tích và tổng hợp các ý kiến của học sinh trả lời; đồng thời nhận xét, bổ sung và đưa ra kết luận.

  1. Nguyên tắc sưu tầm câu chuyện để giảng dạy phần “công dân với đạo đức” trong môn giáo dục công dân lớp 10

Để đạt hiệu quả tối ưu trong quá trình sử dụng phương pháp kể chuyện nhằm nâng cao hiệu quả giảng dạy phần “Công dân với đạo đức” môn Giáo dục công dân lớp 10 thì giáo viên cần chú ý các nguyên tắc sau:

– Các câu chuyện phải xuất phát từ nội dung cơ bản của bài, sát với thực tế cuộc sống, phù hợp với trình độ nhận thức và tâm lý lứa tuổi học sinh.

– Các câu chuyện phải có nguồn trích dẫn rõ ràng, nguồn thông tin đó phải là nguồn chính thống để cung cấp cho học sinh.

– Các câu chuyện phải ngắn gọn, súc tích, đảm bảo tính thẩm mỹ, ngôn ngữ chính xác, dễ hiểu, không cầu kỳ, sáo rỗng.

– Các câu chuyện được khai thác theo các hướng khác nhau, thể hiện ở cách giáo viên đặt câu hỏi gợi ý cho học sinh.

Trong quá trình sưu tầm các câu chuyện để giảng dạy phần “Công dân với đạo đức” môn Giáo dục công dân lớp 10, giáo viên phải vận dụng một cách đồng bộ tất cả các nguyên tắc trên, nếu bỏ qua một nguyên tắc nào đó thì khi đưa câu chuyện vào giảng dạy sẽ không hoàn thành mục tiêu bài học.

  1. Thực trạng của đề tài

Ở bậc học phổ thông, môn GDCD là một trong những môn học cơ bản góp phần giáo dục toàn diện nhân cách cho học sinh. Nhiệm vụ giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức và pháp luật cho học sinh được thực hiện ở tất cả các môn học thông qua các hình thức giáo dục trong nhà trường. Nhưng chỉ môn GDCD mới có thể trực tiếp giáo dục cho học sinh những tri thức đó theo một hệ thống xác định và toàn diện. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay cho thấy có một bộ phận học sinh chưa thật sự chú ý học tập môn GDCD, chưa ý thức được vai trò và vị trí của môn học, học theo hình thức đối phó, nhận thức sai dẫn đến hành động sai. Có lẽ đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự xuống cấp về đạo đức của một bộ phận không nhỏ thanh niên học sinh hiện nay. Hệ quả đó xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ phía phụ huynh và học sinh, thậm chí là chính đội ngũ giáo viên và các cơ quan chức năng chưa nhận thức đúng vị trí, vai trò và tầm quan trọng của môn GDCD trong việc hình thành thế giới quan và nhân sinh quan trong mỗi học sinh để góp phần giáo dục nhân cách cho các em. Mặt khác, nội dung chương trình GDCD ở phổ thông còn thiếu tính thời sự, nặng về tính lý luận, phương pháp dạy học chưa phù hợp, phương tiện dạy học còn nghèo nàn, sơ sài, không kích thích được hứng thú học tập cho học sinh… mặt khác, cách thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh hiện nay còn nhiều bất cập (đánh giá còn mang tính định tính, chưa mang tính định lượng). Do vậy, để đạt được hiệu quả cao trong giảng dạy, ở mỗi tiết học giáo viên cần có cách thiết kế bài giảng sao cho phù hợp với nội dung kiến thức, phương tiện dạy học và năng lực của học sinh. Người giáo viên cần phải tổ chức, hướng dẫn học sinh thực hiện các hoạt động học tập với các hình thức đa dạng, phong phú, có sức hấp dẫn phù hợp với đặc trưng bài học. Để qua mỗi phần học, tiết học, học sinh nắm được kiến thức, có khả năng vận dụng kiến thức đã học trên lớp để xử lý các thông tin mà các em tiếp xúc hằng ngày.

Qua các năm giảng dạy, bản thân tôi luôn tìm tòi, suy nghĩ vận dụng những kinh nghiệm từ thực tiễn, những phương pháp những cách thức…làm thế nào để dạy học đạt kết quả cao nhất, gây hứng thú cho HS nhằm giúp các em khắc sâu kiến thức đã học đồng thời biết vận dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn cuộc sống. Xuất phát từ thực tiễn dạy học và từ chính kinh nghiệm giảng dạy của bản thân, tôi nhận thấy rằng sẽ rất hiệu quả nếu giáo viên có thể vận dụng truyện kể trong việc giảng dạy. Vì vậy khai thác giá trị của nó để vận dụng vào giảng dạy chắc chắn sẽ khơi dậy được niềm say mê học tập của học sinh, góp phần nâng cao hiệu quả dạy học.  Hơn thế nữa, giáo dục đạo đức cho học sinh trong nhà trường là một nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược vô cùng quan trọng như Bác Hồ đã khẳng định:

“ Hiền dữ phải đâu là tính sẵn

Phần nhiều do giáo dục mà nên.”

Đặc biệt, trước xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, trước sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và mặt trái của cơ chế thị trường đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến đạo đức của giới trẻ hiện nay, một bộ phận thanh thiếu niên đã có những biểu hiện xuống cấp về đạo đức thì việc giáo dục đạo đức cho học sinh càng trở nên quan trọng và cần thiết. Giáo viên cần khai thác những giá trị của đạo đức truyền thống đã được ông cha ta đúc kết trong các câu chuyện để giảng dạy cho học sinh qua các giờ học nói chung và giờ học đạo đức trong môn giáo dục công dân nói riêng. Theo tôi, đó là con đường ngắn nhất nhằm giáo dục đạo đức một cách có hiệu quả.

Thực trạng trên do nhiều nguyên nhân như:

  • Thứ nhất, đa số giáo viên chưa đầu tư xứng đáng cho môn học vì cũng xem nhẹ chính môn học mà mình dạy
  • Thứ hai, phương pháp truyền đạt chưa có nhiều cải tiến, đổi mới chủ yếu thuyết trình xen kẽ hỏi đáp, giảng giải kiến thức, ít phát huy tính tích cực và phát triển tư duy; chỉ khai thác những câu chuyện, thông tin, sự kiện, tình huống có sẵn ở sách giáo khoa, chưa tự tìm tòi những điều mới để đưa vào bài giảng của mình sao cho phù hợp, sinh động. Ngoài ra, trong thực tế dạy và học ở trường, phương tiện dạy học còn thiếu thốn.
  • Thứ ba, do tâm lý chung cha mẹ học sinh và học sinh cho rằng đây là môn học phụ, kết quả học tập không quan trọng chỉ chú trọng đến các môn học tự nhiên, các môn thi đại học vì vậy cũng không quan tâm, động viên con em tích cực học tập.
  • Thứ tư, lương các thầy cô giáo khá thấp cho nên các thầy cô phải kiếm trường dạy thêm, làm gia sự hoặc kiếm một công việc khác để có thêm thu nhập nên việc đầu tư cho bài giảng qua loa, đại khái, chỉ dạy nội dung trong sách giáo khoa không có nhiều liên hệ thực tiễn gần gũi với học sinh và mang tính thời sự.
  • Thứ năm, thời lượng môn giáo dục công dân trong trường trung học phổ thông chỉ có 1 tiết/ 1 tuần cho nên với thời gian 45 phút giáo viên chỉ đủ thời gian truyền đạt nội dung sách giáo khoa. Thời gian thảo luận các vấn đề bị hạn chế, các câu hỏi mở nhiều khi không giải quyết hết trong một tiết.
  • Thứ sáu, nội dung sách giáo khoa sách giáo dục công dân nhiều khi còn ôm đồm quá nhiều kiến thức và mang tính lí luận triết lí, chưa gần gũi với nhu cầu tìm hiểu của các em
  • Thứ bảy, phần tư liệu tham khảo có rất ít câu chuyện hay, có ý nghĩa giáo dục để học sinh đọc thêm như các cấp học dưới, thêm vào đó nhiều khái niệm trong tư liệu tham khảo còn thiếu hoặc dư không cần thiết.

Từ những lí do trên mà trong giờ học Giáo dục công dân lớp 10 chưa gây hứng thú cho học sinh. Vì vậy, trong giảng dạy Giáo dục công dân lớp 10, tôi đã sử dụng phương pháp kể chuyện để gây hứng thú cho học sinh.

  1. Những ưu điểm và nhược điểm của đề tài
  2. Ưu điểm

– Khi kể chuyện và nghe kể chuyện thì học sinh phải phát huy trí tưởng tượng của mình. Điều này giúp học sinh tạo dựng hay chấp nhận những ý kiến mới và sáng tạo. Phát triển trí tưởng tượng cũng giúp học sinh tự tin hơn, thấy mình có khả năng thực hiện được những mơ ước hoài bão, từ đó có hứng thú học tập hơn. Đồng thời kể chuyện cũng giúp phát triển các kỹ năng tư duy và phản ứng đối đáp nhanh nhạy hơn. Hơn nữa, khi nghe kể chuyện, người học sinh thường được yêu cầu phỏng đoán kết cục câu chuyện nên kỹ năng phỏng đoán cũng tốt hơn. Những kỹ năng học tập kể trên rất cần trong quá trình giáo dục.

– Kể chuyện giúp phát triển một thái độ lạc quan, hài hước. Các câu chuyện được kể thường là chuyện hay và vui nhộn, nên học sinh biết cách tự giải trí và giúp người khác thư giãn.

– Một điểm quan trọng nữa là trong quá trình kể chuyện, học sinh được làm người kể chuyện và làm khán giả. học sinh nghe chuyện với những tình cảm vui buồn khác nhau. Họ phản ứng, đối đáp lại câu chuyện bằng cách nói, viết, đóng kịch, hát, múa, v.v. Việc này giúp phát triển kỹ năng hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, biết lắng nghe người khác, biết giao tiếp. Đây là những kỹ năng quan trọng trong học các môn khác nói chung

– Lợi ích khác nữa của kể chuyện là giúp học sinh liên hệ, vận dụng được những kỹ năng, kiến thức đã học với những điều mới.

– Những kỹ năng khác học sinh phát triển được từ giờ kể chuyện là khả năng nhận biết, phân tích và diễn đạt.

  1. Nhược điểm

– Nội dung chương trình Giáo dục công dân lớp 10 rộng nên việc sưu tầm tài liệu cần phải chọn lọc. Việc chọn lọc câu chuyện cũng rất mất thời gian đối với cả giáo viên và học sinh. Giáo viên phải đầu tư thời gian để cập nhật các câu chuyện mới nhất, có tính thời sự và liên quan đến nội dung bài học.

– Khi giảng dạy bằng câu chuyện có thật, nếu giáo viên không có năng lực quản lý lớp, không định hướng cho học sinh đi vào giải quyết những vấn đề trọng tâm thì sẽ bị cuốn theo những cuộc tranh luận của học sinh.

– Đòi hỏi tinh thần tự học, thái độ làm việc nghiêm túc và khả năng tư duy độc lập, sáng tạo, năng động… Nếu học sinh học thụ động, không hợp tác thì sẽ làm giảm hiệu quả bài giảng.

– Vì là những câu chuyện nên trong quá trình dạy học rất dễ cháy giáo án nếu giáo viên chọn câu chuyện dài hoặc ôm đồm nhiều câu chuyện

  1. Giải pháp và tổ chức thực hiện.
NỘI DUNG CÂU CHUYỆN CÂU HỎI
BÀI 10: QUAN NIỆM VỀ ĐẠO ĐỨC

2/ Vai trò của pháp luật trong sự phát triển của cá nhân , gia đình và xã hội

c/ Đối với xã hội.

Câu chuyện hôi bia ở Đồng Nai.

Trước sự bất lực và gào khóc van xin của tài xế Hồ Kim Hậu (30 tuổi, quê tỉnh Bình Định), người điều khiển chiếc xe bị nạn chở khoảng 1.500 thùng bia Tiger. Những người “hôi của” tranh nhau giành giật các thùng bia còn nguyên bị rớt xuống đường và thu gom các lon bia văng ra khỏi thùng. Trong đó, nhiều người lấy cả những thùng bia  người thì lấy túi đựng, thậm chí lấy cả xe ba gác  để trởi bia về nhà. Tổng số bia bị mất ước tính gần 1000 thùng bia tương đương với giá trị 300 tr đồng, hậu quả ban đầu của việc hôi bia để lại đó là tài xế  Hồ Kim Hậu phải bồi thường số bia đó, nếu không bồi thường được thì phải đi tù.

 

? Từ góc độ đạo đức em đánh giá như thế nào về hành vi của những người hôi bia

è Hành vi xấu, không có đạo đức,  hồi chuông cảnh báo về ý thức giúp đỡ đồng bào hoạn nạn, ý thức không tham của rơi của một bộ phận người Việt hiện nay

? Với những tình trạng đó thì xã hội liệu có phát triển được không

è Không

? Vai trò của đạo đức đối với xã hội.

 

BÀI 11: MỘT SỐ PHẠM TRÙ CƠ BẢN CỦA ĐẠO ĐỨC HỌC

1.      Nghĩa vụ

Ví dụ về nghĩa vụ của con cái đối với cha mẹ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2. Lương tâm

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

4. Hạnh phúc

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Câu chuyện “Mẹ lạnh lắm phải không?”

Vào đêm giáng sinh một thiếu phụ mang thai lần bước đến nhà người bạn giúp đỡ. Con đường đến nhà bạn đi qua mương sâu có cây cầu bắc ngang người thiếu phụ bỗng trượt chân và cơn đau đẻ quặn lên. Chị không thể đi xa được nữa đành bò xuống dưới chân cầu đơn độc giữa những chân cầu chị đã sinh ra 1 bé trai không có gì khác ngoài những chiếc áo bông chị đang mặc, chị lần lượt gỡ bỏ áo quần và quấn quanh đứa con bé xíu, thế rồi chị tìm được miếng bao tải trùm vào người và kiệt sức bên cạnh con. Sáng hôm sau có một người phụ nữ lái xe qua cầu, chiếc xe bỗng chết máy và bà bước ra khỏi xe thì nghe thấy tiếng khóc yếu ớt bên dưới chân cầu. Nơi đó bà thấy một đứa bé nhỏ xíu, đói nhưng vẫn còn ấm, còn người mẹ đã chết cóng. Bà đã đem đứa bé về nuôi. Khi lớn cậu bé thường hay đòi mẹ nuôi kể lại câu chuyện đã tìm thấy mình. Vào một ngày lễ giáng sinh, đó là lần sinh nhật lần thứ 12, cậu bé nhờ mẹ nuôi đưa đến người mẹ tội nghiệp. Cậu bảo người mẹ nuôi đợi ở xa trong lúc cầu nguyện. Cậu bé đứng cạnh ngôi mộ, cúi đầu và khóc. Thế rồi cậu bắt đầu cởi quần áo. Bà mẹ nuôi đứng nhìn sững sờ khi cậu bé lần lượt cởi bỏ tất cả và đặt lên mộ mẹ mình. Cậu bé gọi người mẹ mà cậu chưa bao giờ biết “mẹ lạnh hơn con lúc này, phải không mẹ?” và cậu oà khóc.

Câu chuyện Sự ngỗ nghịch đáng ân hận suốt đời ( Trích trong Dế mèn phiêu lưu kí của nhà văn Tô Hoài)

Chuyện kể về sự ngông cuồng và dại dột của Dế Mèn đã dẫn đến cái chết của Dế Choắt. Nhưng sau hành động của mình, Dế Mèn rất ân hận: “Nào tôi có biết, cơ sự lại ra nông nỗi này! Tôi ân hận lắm. Tôi hối hận lắm! Anh mà chết là  chỉ do cái tội ngông cuồng dại dột của tôi. Tôi biết làm thế nào bây giờ”. Sau khi Dế Choắt tắt thở, Dế Mèn đã tự kiểm điểm hành vi sai lầm của mình: Tôi đứng lặng giờ lâu, nghĩ về bài học đường đời đầu tiên.Còn  về phần Dế Choắt lại rất rộng lượng tha thứ cho Dế Mèn và cũng không quên khuyên nhủ Dế Mèn: “Thôi tôi ốm yếu quá rồi, chết cũng được. Nhưng trước khi nhắm mắt tôi khuyên anh: ở đời mà có cái thói hung hăng bậy bạ, có óc mà không biết nghĩ, thì sớm muộn cũng mang vạ vào mình đấy”.

 

Câu chuyện: “Ông lão đánh cá và con cá vàng”

Có 2 vợ chồng ông lão đánh cá nghèo khổ sống trong một túp lều bên bờ biển. Ngày ngày, ông lão ra biển thả lưới đánh bắt cá. Một hôm, ông lão quăng nhiều mẻ lưới mà không bắt được gì. Đến mẻ lưới cuối cùng, ông bắt được một con cá vàng. Cá vàng khẩn thiết cầu xin ông lão đánh cá, nếu ông thả nó về biển thì nó sẽ đáp ứng mọi yêu cầu của ông. Ông lão đánh cá vui vẻ thả Cá vàng về biển mà không đòi hỏi gì. Khi ông lão đánh cá trở về nhà thì thấy vợ đang giặt quần áo trong chiếc chậu gỗ đã vỡ một miếng. Ông kể cho bà vợ nghe chuyện đánh được con Cá vàng. Bà vợ nghe xong, nói:

– Sao ông không đòi nó cho một cái chậu gỗ mới?

Ngày hôm sau, ông lão đánh cá đi ra biển gọi Cá vàng, Cá vàng ngoi lên mặt nước. Ông lão bảo cá:

– Cá vàng ơi, mụ vợ ta bắt ta phải xin một chiếc chậu gỗ mới.

Cá vàng nhận lời, bảo ông lão cứ yên tâm trở về. Khi ông lão về đến nhà thì thấy nhà đã có một chiếc chậu mới. Bà vợ lại bảo:

– Ông nên đòi thêm một ngôi nhà thật đẹp nữa.

Ngày hôm sau, ông lão đánh cá lại đi ra biển, bảo Cá:

– Cá vàng ơi, bà vợ ta lại muốn có một ngôi nhà mới.

Cá vàng nhận lời. Ông lão đánh cá trở về nhà, bà vợ ông lại đòi hỏi:

– Ông hãy đi bảo con Cá vàng rằng, tôi muốn được làm nữ hoàng.

Ông lão lại đi ra biển một lần nữa, gọi Cá vàng và bảo:

– Cá vàng ơi, bà vợ ta không để cho ta yên. Bà ta muốn được sống trong cung điện.

Cá vàng lại một lần nữa đáp ứng đòi hỏi của bà vợ.

Khi ông lão về đến nhà thì bà vợ đã lên làm nữ hoàng, nhưng bà ta vẫn chưa thoả mãn:

– Ông hãy đi bảo con Cá vàng rằng, tôi muốn làm long vương dưới biển kia, và hàng ngày Cá vàng sẽ phải nghe tôi sai bảo.

Ông lão đánh cá đi ra biển lần thứ 4 để tìm Cá vàng. Cá vàng ngoi lên mặt nước, nghe lời của ông lão đánh cá, nó không nói gì, quẫy đuôi một cái rồi biến mất vào đại dương sâu thẳm.

Ông lão đánh cá trở về nhà, thấy cung điện nguy nga đã biến mất. Trước căn lều cỏ, bà vợ ông đang giặt quần áo bằng chiếc chậu vỡ ”.(Trích từ SGK Ngữ Văn 6)

 

? Em có suy nghĩ gì về hành động cởi áo của cậu bé.

è Biết ơn, ghi nhớ công lao của cha mẹ đối với con cái

è   Thể hiện nghĩa vụ: con cái  hiếu thảo với cha mẽ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

? Qua câu chuyện trên em có nhận xét gì về hành động của Dế Mèn?

   Hành động của Dế Mèn thể hiện sự ngông cuồng và rất dại dột, hậu quả của hành vi đó đã dẫn đến cái chết của Dế Choắt. Từ cái chết đó, Dế Mèn đã vô cùng ân hận về hành vi của bản thân, lương tâm vô cùng cắn rứt.

? Vậy theo em lương tâm  là gì? Bao gồm những trạng thái nào? Làm thế nào để trở thành người có lương tâm?

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Qua câu chuyện này học sinh thấy được điều này vì con người thỏa mãn hết nhu cầu này lại nảy sinh nhu cầu khác. Nhu cầu sau cao hơn nhu cầu trước. Nếu cứ mãi như vậy thì sẽ không bao giờ cảm thấy hạnh phúc.

 

Kết luận:

Cảm xúc vui sướng hài lòng của con người trong cuộc sống khi được đáp ứng thỏa mãn các nhu cầu chân chính và lành mạnh chính là hạnh phúc. Mỗi một nhu cầu chân chính và lành mạnh của con người khi được thỏa mãn được coi như một nhà ga trên chặng đường vươn tới hạnh phúc.

 

BAØI 13: COÂNG DAÂN VÔÙI COÄNG ÑOÀNG

1.             Cộng đồng và vai trò của cộng đồng đối với cuộc sống của con người

 

Câu chuyện về cô gái người rừng

Năm 1988, lúc đó Rochom H’Pnhiêng mới 8 tuổi, cô bé chăn trâu trong rừng gần Nông-pênh thì mất tích. 18 năm sau, người ta bắt một cô gái trần truồng từ rừng rậm về tìm thực phẩm dư thừa, cô gái nhặt gạo rơi trên mặt đất bỏ vào miệng nhai. Bố của H’Pnhiêng nhận ra nét mặt và một vết sẹo. Được cha đưa về nhà, H’Pnhiêng chỉ thích trái cây và đồ sống. Cô không biết nằm giường cũng như không biết mặc quần áo. Chờ mọi người ngủ, cô lặng lẽ cởi bỏ quần áo rồi ôm cột ngủ ngồi thu lu trong xó nhà.

Trở về với gia đình sống trong tình yêu thương của cha mẹ, anh em, H’Pnhiêng đã tự nhiên hơn với người thân. Cô bắt đầu bập bẹ, ú ớ cố muốn nói gì đó, nhưng không rõ nghĩa. Chiều tối, nghe tiếng hoẵng từ rừng xa vọng lại, cô bỏ cơm, cứ ngồi trước cửa nhìn về phía rừng sâu. Cả nhà lo lắm, lo sợ nó lẻn trở lại rừng”

1.           Nếu con người tách khỏi cộng đồng thì cuộc sống sẽ ra sao?

-> Con người không phải là con người đúng nghĩa. Con người tồn tại như động vật bởi vì đời sống con người xét về bản chất có tính xã hội, có nghĩa là phải lao động phải liên hệ với người khác. Cho nên nếu tách ra khỏi cộng đồng, khỏi xã hội thì con người chỉ tồn tại về mặt sinh học và sự tồn tại đó mang tình bản năng như loài vật

Cộng đồng có vai trò gì đối với cuộc sống của con người?

 

BÀI 14:

CÔNG DÂN VỚI SỰ NGHIỆP XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC

 

b/ Truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam.

* Biểu hiện của lòng yêu nước:

– Đoàn kết, kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền dân tộc và nền độc lập, tự do của tổ quốc

 

 

 

Câu chuyện về anh hùng Nguyễn Văn Trỗi

Chỉ sống có 24 năm và vẻn vẹn có 9 phút trên pháp trường nhưng Nguyễn Văn Trỗi đã đi vào lịch sử kháng chiến chống xâm lược của nước ta như một biểu tượng của lòng quả cảm và khí phách anh hùng, 44 năm trước, tại cầu công lý đã xảy ra một sự kiện làm rung chuyển dư luận toàn cầu: Hai chiến sĩ trẻ của Đội biệt động 65 nổi tiếng Sài Gòn là Nguyễn Văn Trỗi và Nguyễn Hữu Lời đã đặt bom nhằm tiêu diệt Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thời bấy giờ là McNamara khi ông ta tới thị sát chiến trường miền Nam để chính thức xâm lược nước ta.

Trong phút cuối cùng của đời mình, anh giật phắt mảnh băng đen mà kẻ thù bịt mắt và dõng dạc nói : “Không, phải để tôi nhìn mảnh đất này, mảnh đất thân yêu của tôi!”. Và anh hô to : “Hãy nhớ lấy lời tôi! Đả đảo đế quốc Mỹ!” “Hồ Chí Minh muôn năm!” “Việt Nam muôn năm!”

 

? Sự hi sinh của anh hùng Nguyễn Văn Trỗi thể hiện tinh thần gì của con người Việt Nam

? Em cảm thấy sự hi sinh đó có ý nghĩa như thế nào trong cuộc chiến tranh của dân tộc

 

.

  1. Kết quả thực nghiệm của đề tài

5.1. Trước khi áp dụng đề tài.

Với đặc thù của môn GDCD nói chung và phần “Công dân với đạo đức – GDCD 10” nói riêng, khi chưa thay đổi phuơng pháp giảng dạy thì một điều dễ nhận thấy là các em không có hứng thú học môn GDCD, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến đạo đức, nó cũng không phải là vấn đề mới mẻ, các em đã được tiếp cận từ những lớp ở cấp dưới. Đa số các em chỉ học mang tính chất đối phó cho qua, học để lấy điểm. Do vậy, học sinh không hiểu được bản chất của vấn đề ( Như trên tôi đã trình bày, đó là xem thường bộ môn GDCD, là một nguyên nhân dẫn đến sự xuống cấp trầm trọng của một bộ phận thanh thiếu niên hiện nay).

5.2. Sau khi áp dụng đề tài.

* Kết quả định tính:

Qua tìm hiểu, điều tra, thăm dò từ học sinh đề tài đã đạt được những kết quả định tính sau đây:

–   Giáo viên lên lớp với tâm lí thoải mái, tự tin hơn trong việc giảng dạy, truyền đạt kiến thức cho học sinh.

–   Học sinh tiếp thu kiến thức tốt hơn, lớp học đã trở nên sôi nổi, học sinh có cảm xúc yêu thích bài học này. Học sinh lĩnh hội và nắm được kiến thức bài học một cách nhanh nhất, chắc chắn và nhớ lâu kiến thức đã học.

–   Học sinh hứng thú say mê, tích cực, chủ động suy nghĩ trong việc tìm tòi kiến thức. Học sinh mạnh dạn, chủ động tranh luận cởi mở, sôi nổi, tự tin đưa ra ý kiến của mình, lắng nghe ý kiến đóng góp, phê bình của các bạn; từ đó giúp học sinh hoà đồng với cộng đồng, tạo cho học sinh tự tin hơn.

–   Trong quá trình học tập lĩnh hội kiến thức của bài học và từ đó biết vận dụng kiến thức của bài học vào thực tiễn cuộc sống và giải thích được các hiện tượng xảy ra ở địa phương mình.

–   Đã chuyển trọng tâm từ hoạt động của thầy sang hoạt động của trò.

–   Đã giúp học sinh từ chỗ học tập thụ động, chuyển sang hoạt động chủ động, học sinh tích cực chiếm lĩnh kiến thức và kĩ năng thu thập, xử lý trình bày trao đổi thông tin thông qua các hoạt động học tập do giáo viên tổ chức hướng dẫn.

* Kết quả định lượng:  Để đo mức độ hứng thú của học sinh khi vận dụng truyện kể Việt Nam vào dạy học phần “Công dân với đạo đức Giáo dục công dân lớp 10, tôi đã tiến hành  thực nghiệm như sau:

+  Qua kết quả điều tra.

Sau khi áp dụng đề tài vào dạy học năm học 2015 – 2016 tại trường THPT DTNT N’ Trang Lơng tôi đã phát phiếu điều tra 185 học sinh khối 10 và đã nhận được kết quả như sau:

Câu 1. Cảm nhận của em về bài giảng theo hướng này như thế nào?

  1. Dễ hiểu: 173/185 tỉ lệ 93,5%.
  2. Bình thường: 12/185 tỉ lệ 6.5%.
  3. Khó hiểu: 0/185 tỉ lệ 0%.

Câu 2. Theo em mức độ kích thích tính tư duy của bài giảng ra sao?

  1. Cao: 159/185 tỉ lệ 85.9%.
  2. Bình thường: 26/185 tỉ lệ 14%.
  3. Thấp: 0/185 tỉ lệ 0%.

Câu 3. So với phương pháp dạy học truyền thống thì phương pháp dạy học mới này có tạo được hứng thú học tập tốt hơn không?

.a. Có:  185/185 tỉ lệ 100%.

  1. Không : 0/185 tỉ lệ 0 %.

Câu 4. Em thấy có nên sử dụng truyện kể trong dạy học môn GDCD nữa không?

  1. Có: 185/185 tỉ lệ 100 %.
  2. Không: 0/185 tỉ lệ 0%.

+ Kết quả bài kiểm tra:

Nội dung kiểm tra: Kiểm tra 1 tiết phần “công dân với đạo đức” Kết quả kiểm tra được thống kê, so sánh như sau:

 Khi  sử dụng truyện kể vào giảng dạy:

 

Lớp Sĩ số

 

Giỏi Khá Trung bình Yếu, Kém
SL % SL % SL % SL %
10A1 32 13 40.6 12 37.5 7 21.8 0 0
10A5 32 10 31.2 14 43.8 8 25 0 0
10A6 32 11 34.3 11 34.3 10 31.2 0 0

Khi chưa sử dụng truyện kể vào giảng dạy:

Lớp Sĩ số Giỏi Khá Trung bình Yếu, Kém
SL % SL % SL % SL %
10A2 32 7 21.8 8 25 16 50 1 3.1
10A3 32 6 18.75 9 28.1 15 46.8 2 6.25
10A4 32 6 18.75 10 31.2 14 43.8 2 6.25

 

Kết quả khảo sát cho thấy, phần lớn học sinh (chiếm 93,5%) đều cho rằng sử dụng truyện kể vào bài giảng sẽ giúp cho bài giảng dễ hiểu hơn. Có tới 85,9% số HS được hỏi cho rằng phương pháp này kích thích được tính tư duy của học sinh. Đặc biệt 100% học sinh đánh giá rằng phương pháp vận dụng truyện kể tạo được hứng thú tốt hơn cho học sinh so với phương pháp dạy học truyền thống. 100% các em đều ủng hộ việc vận dụng truyện kể khi dạy học môn Giáo dục công dân, nhất là phần “Công dân với đạo đức ” môn Giáo dục công dân lớp 10.

Như vậy, kết quả thực nghiệm đã khẳng định tính đúng đắn, chân thực của việc sử dụng  truyện kể trong dạy học phần “Công dân với đạo đức ” – GDCD lớp 10 nói riêng và môn GDCD nói chung ở trường THPT. Điều này minh chứng những giải pháp của đề tài thực sự đem lại giá trị trong việc nâng cao chất lượng dạy học môn Giáo dục công dân hiện nay.

  1. Kiến nghị và kết luận.
  2. Kiến nghị.

Qua tổ chức thực hiện cũng như qua kết quả nghiên cứu bước đầu từ thực tế giảng dạy, tôi có một vài kiến nghị, đề xuất như sau:

  1. Kiện toàn đội ngũ giáo viên. Định kỳ tổ chức bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, phương pháp giảng dạy và cập nhật kiến thức pháp luật cho giáo viên.
  2. Sử dụng các câu chuyện phải kết hợp khéo léo với các phương pháp dạy học khác để tạo nên sự cộng hưởng và đạt hiệu quả cao.
  3. 3. Xây dựng hệ thống tài liệu tham khảo. Giáo viên cần có nguồn cung cấp các câu chuyện pháp luật phong phú: sách báo, phương tiện thông tin đại chúng… Mỗi giáo viên phải thường xuyên xây dựng cho mình thói quen đọc và nghe.
  4. Học sinh rèn luyện cho mình thói quen học tập tích cực, chủ động; rèn luyện kỹ năng diễn đạt trước lớp.
  5. Tôi cũng rất mong muốn được nhà trường và các cấp quản lí giáo dục quan tâm, giúp đỡ tạo điều kiện để có thể sử dụng phương pháp này trong giảng dạy bộ môn Giáo dục công dân lớp 10 ở các lớp khác trong những năm học tiếp theo để có thể rút ra được những kết luận chính xác hơn, góp phần cùng toàn trường, toàn ngành và toàn xã hội nâng cao chất lượng giáo dục.
  6. Kết luận.

Để nâng cao hứng thú học môn Giáo dục công dân nói chung và môn Giáo dục công dân lớp 10 nói riêng luôn là niềm trăn trở, suy nghĩ, là mục đích hướng tới của từng giáo viên có lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp. Vấn đề cốt lõi của nâng cao hứng thú học môn Giáo dục công dân lớp 10 là hướng tới hoạt động học tập tích cực, chủ động, sáng tạo, chống lại thói quen học tập thụ động, liên hệ trực tiếp với những hành động của bản thân và xã hội là đúng hay sai, từ đó giúp các em tránh được những cám dỗ của xã hội. Bản thân tôi khi lựa chọn đề tài Sử dụng phương pháp kể chuyện nhằm nâng cao hiệu quả giảng dạy phần “Công dân với đạo đức” môn Giáo dục công dân 10” đã vấp phải không ít khó khăn trong quá trình nghiên cứu và thực hiện. Phần vì là giáo viên trẻ, kinh nghiệm giảng dạy của bản thân chưa nhiều; phần vì đối tượng học sinh còn thụ động. Song bằng nỗ lực của bản thân, qua đề tài này tôi muốn có cái nhìn mới về đổi mới phương pháp giảng dạy môn Giáo dục công dân trong nhà trường phổ thông. Từ đó, đưa ra một số kết luận và kiến nghị qua quá trình thực hiện, với hi vọng rằng đề tài này là một tài liệu tham khảo có ý nghĩa đối với các đồng nghiệp, đặc biệt là các đồng nghiệp trực tiếp giảng dạy môn Giáo dục công dân lớp 10.

Đề tài này được đúc kết từ những trải nghiệm của bản thân, do đó không thể tránh khỏi những hạn chế và bất cập. Tôi rất mong nhận được những đóng góp quý báu của đồng nghiệp, Hội đồng khoa học nhà trường, đặc biệt là những thông tin phản hồi từ phía học sinh để đề tài này hoàn thiện hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[01] . Sách giáo khoa GDCD lớp 10, NXB Giáo dục (2006).

[02] . Sách giáo viên GDCD lớp 10, NXB Giáo dục(2006).

[03] . Tâm lý học lứa tuổi và tâm lý học sư phạm.

[04] . Giáo trình triết học Mác – Lê Nin, NXB Chính trị Quốc gia.

[05] .  Dương Thiệu Tống, Suy nghĩ về giáo dục truyền thống và hiện đại, tạp chí Dạy và học ngày nay, số tết.

[06] Đinh Văn Đức, Dương Thị Thúy Nga (2010), Dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng môn GDCD lớp 10, Nxb Đại học Sư phạm.

[07] Nguyễn Thị Kim Oanh (2010), Một số biện pháp phát huy tính tích cực, sáng tạo  của học sinh THPT trong học tập môn GDCD, Tạp chí Giáo dục, số 236.

[08] Nguyễn Sĩ Quyết Tâm (2003),  Dạy và học môn GDCD ở trường THPT, Tạp chí Giáo dục, số 62.

[09]  Nguyễn Văn Cư (2008), Giáo dục đạo đức cách mạng cho HS lớp 10 THPT quaviệc dạy và học môn Giáo dục công dân, Tạp chí Giáo dục, số 186.

[10] Kho tàng giai thoại Việt Nam, Nhà xuất bản Văn học Việt Nam 1994.

[11] Nhiều tác giả (2010), Chuyện kể về Bác Hồ, NXB Giáo dục Việt Nam.

[12] Lê Bá Hiển (2012), Thời niên thiếu của các danh nhân Việt Nam – tập 1, NXB Trẻ.

[13] Lê Bá Hiển (2012), Thời niên thiếu của các danh nhân Việt Nam – tập 2, NXB Trẻ.

[14] Lê Bá Hiển (2012), Thời niên thiếu của các danh nhân Việt Nam – tập 3, NXB Trẻ.

[15] Hoài Anh (2010), Kể chuyện lịch sử nước nhà dành cho học sinh, NXB Trẻ.

[16] Nguyễn Huy Tưởng (2010), Lá cờ thêu sáu chữ vàng, NXB Kim Đồng.

 

                                          MỤC LỤC Trang  
I. PHẦN MỞ ĐẦU 01
  1. Lí do chọn đề tài 01  
  2. Mục đích nghiên cứu 03  
  3. Nhiệm vụ nghiên cứu 03  
  4. Phương pháp nghiên cứu 03  
   

04

II. NỘI DUNG
1.  Cơ sở lí luận của đề tài 04  
  1.1. Cơ sở triết học 04  
  1.2. Cơ sở giáo dục học 04  
  1.3. Cơ sở tâm lí học 05  
  1.4. Lí luận và vai trò của phương pháp kể chuyện 06  
2. Thực trạng của đề tài 08  
3. Ưu điểm và nhược điểm của đề tài 10  
4. Giải pháp và tổ chức thực hiện 11    
5. Kết quả thực nghiệm của đề tài 18  
III. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ 20  
Tài liệu tham khảo 22